News & Events
Lễ Chuseok có ý nghĩa thế nào trong văn hóa Hàn Quốc?
- 22/09/2020
- Posted by:
- Category: Hàn ngữ

Tết Trung Thu – Lễ Chuseok (추석) là một trong ba ngày Tết quan trọng nhất đối với người Hàn Quốc. Cũng như Việt Nam, Tết Trung Thu Hàn Quốc cũng là ngày Tết Đoàn viên, là dịp để các thành viên gia đình dù ở xa nhau đến mấy cũng có dịp quay về đoàn tụ. Vì là ngày Tết quan trọng trong nét văn hóa nên thông thường người Hàn được nghỉ từ 3 đến 10 ngày cho dịp Tết Trung thu. Nếu là người yêu ngôn ngữ Hàn, bạn hãy dành chút thời gian để tìm hiểu về văn hóa Hàn Quốc thông qua dịp Lễ Chuseok này nhé!
Những ngày lễ quan trọng nhất trong văn hóa Hàn Quốc
Đối với người dân Hàn Quốc, có ba lễ hội lớn quan trọng nhất trong năm đó là Ngày đầu năm mới Seollal (설날) và ngày Mùng 5 tháng 5 âm lịch hay còn gọi là Dano (단오) và cuối cùng là ngày Tết Trung thu Chuseok (추석). Ngày lễ Chuseok từ xa xưa được người nông dân Hàn Quốc tổ chức như một dịp để tạ ơn tổ tiên vì mùa màng bội thu và qua đó sẻ chia sự sung túc với làng xóm, họ hàng.
Mặc dù là ngày Tết truyền thống lâu đời, vẫn chưa ai biết rõ nguồn gốc chính xác lễ Chuseok bắt đầu như thế nào. Dù vậy, nét văn hóa này được tìm thấy hầu hết qua các tín ngưỡng truyền thống về mặt trăng. Mặt trăng tròn chỉ xuất hiện một lần một tháng nên được xem là một dịp đặc biệt đầy ý nghĩa. Có thể đó cũng là lý do lễ hội tạ ơn tổ tiên vì mùa màng bội thu của người dân Hàn Quốc bắt đầu diễn ra từ ngày rằm tháng 8.
Người Hàn thường làm gì vào Lễ Chuseok?
Vào ngày rằm tháng 8 âm lịch, lễ hội Chuseok được diễn ra. Có nhiều hoạt động xuyên suốt diễn ra trong ngày nhưng tất cả đều để nhớ về cội nguồn, tổ tiên là chính.
Vào buổi sáng, từ các nguyên liệu tươi ngon nhất của mùa vụ vừa qua, nhiều món ăn ngon sẽ được bày biện để làm lễ tạ ơn tổ tiên hay còn gọi là lễ Charye, nghi thức này tương tự lễ cúng gia tiên của người Việt Nam.
Sau khi kết thúc nghi thức lễ Charye, các gia đình sẽ cùng nhau đi viếng mộ tổ tiên và tham gia dọn dẹp lại phần mộ. Hoạt động này tương tự như các hoạt động diễn ra trong Tết Thanh minh của người Việt chúng ta.
Tiếp đó, khi hoàng hôn dần buông xuống, ở các làng xóm, các gia đình sẽ hội họp lại và cùng nhau ngắm vẻ đẹp của trăng tròn tháng 8, cùng nhau tham gia các trò chơi dân gian truyền thống như Ganggangsullae (강강술래) – Điệu nhảy vòng tròn của Hàn Quốc.
Người Hàn ăn gì trong Lễ Chuseok?
Lễ Chuseok ra đời như một dịp để ăn mừng sự bội thu sau một mùa làm nông vất vả. Vì vậy, nguyên liệu chính của các món ăn trong lễ Chuseok là trái cây, gạo cùng một số loại ngũ cốc tùy vùng.
Bánh Songpyeon (송편) là loại bánh đặc trưng cho ngày Tết Chuseok ở Hàn Quốc. Với nguyên liệu chính là bột gạo được nhào nặn bên ngoài và nhân bên trong là hạt vừng, hạt dẻ, đậu đỏ cùng các nguyên liệu bổ dưỡng khác. Bánh Songpyeon được chế biến bằng cách hấp với lá thông, khi đó lá thông sẽ càng làm tăng hương vị của loại bánh này.
Không phải tự dưng mà người ta gọi Lễ Chuseok hay Tết Trung thu là Tết Đoàn viên. Vào đêm trước ngày lễ Chuseok, toàn gia đình tập trung cùng làm songpyeon. Trong một giai thoại cổ của Hàn Quốc có nói rằng nếu ai làm được songpyeon đẹp thì sẽ gặp được người bạn đời tốt và sinh được một đứa con xinh đẹp. Bởi vậy không có gì ngạc nhiên khi những ai còn độc thân trong gia đình đều cố hết sức để làm ra những songpyeon đẹp nhất!
Một yếu tố chính khác khi tìm hiểu về văn hoá Hàn Quốc của ngày lễ Chuseok còn là ngày rượu truyền thống. Vào lễ Chuseok, các gia đình và họ hàng tập trung lại và làm lễ cúng gia tiên với rượu làm từ của vụ mùa mới. Sau lễ cúng, họ ngồi ngồi quây quần bên nhau cùng uống rượu và ăn các món ăn được làm ra từ chính những nguyên liệu trong vụ mùa vất vả đã qua của họ.